Bài viết 3

Tin Tức

images

Sơ lược về các địa danh du lịch của Kiên Giang

 


Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam. Kiên Giang có hơn 100 đảo lớn nhỏ ngoài biển, nằm trên 2 huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Riêng huyện đảo Phú Quốc có 22 đảo lớn nhỏ còn lại hơn 80 đảo nằm rải rác trong huyện đảo Kiên Hải, ngoài khơi vùng biển Hà Tiên thuộc xã đảo Tiên Hải hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc và ngoài khơi vùng biển Kiên Lương thuộc 2 xã Sơn Hải và Bình An hay còn gọi là quần đảo Bà Lụa.

 


Kiên Hải là một huyện đảo của tỉnh Kiên Giang nằm ngoài khơi vùng biển Tây Nam. Huyện có diện tích khoảng 30 km² và dân số khoảng 25.000 người, sinh sống trên các đảo trong quần đảo Kiên Hải. Huyện Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre (trung tâm hành chính), Lại Sơn, An Sơn và quần đảo Nam Du. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. Các đảo của huyện Kiên Hải vẫn còn sơ khai, nhiều phong cảnh đẹp mang đậm nét thiên nhiên. Hòn Tre - trung tâm hành chính của huyện, cách Thành phố Rạch Giá 30 km với khoảng 1 giờ ngồi tàu cao tốc và 2 giờ ngồi tàu gỗ. Xã có diện tích nhỏ nhất, chỉ rộng khoảng 4 km², đỉnh cao nhất là 395 m. Số dân trên 4 ngàn người, họ sinh sống bằng nghề làm vườn, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Hòn Tre có nhiều nơi phong cảnh rất hữu tình như Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, ... Trong tương lai Hòn Tre sẽ trở thành khu du lịch sinh thái mới của tỉnh Kiên Giang.

 


Quần đảo Hải Tặc xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Nó nổi tiếng với những vụ cướp biển quy mô lớn, có tổ chức. Thời kỳ này, nhiều tàu buôn của Trung Quốc và các nước phương Tây qua đây. Nay quần đảo thuộc xã Tiên Hải (TX Hà Tiên), cách đất liền 18km, cách đảo Phú Quốc 40km. Quần đảo Hải Tặc có tới 14 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ mới có 6 hòn có người ở được ghi nhận gồm: Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đước và Hòn Đồi Mồi. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ.

 


Quần đảo Bà Lụa còn có tên là Bình Trị, thuộc địa bàn hai xã Sơn Hải và Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Bà Lụa nằm ngoài khơi của mũi Hòn Chông, kề sát đất liền với khoảng 45 đảo đá vôi lớn nhỏ khác nhau, trong đó phải kể đến như Hòn Một, Hòn Lô Cốc, Hòn Đá Lửa, Hòn Heo, Hòn Đá Bạc, Hòn Rễ Lớn, Hòn Rễ Nhỏ, Hòn Nhum Bà, Hòn Ngang...
Sau đây là một số địa danh du lịch tiêu biểu của Kiên Giang:

Xem thêm

 

images

Thắng cảnh Hòn Phụ Tử - Chùa Hang

 


Hòn Phụ Tử được xem là danh thắng tiêu biểu của Kiên Giang. Với huyền tích ly kỳ, hòn Phụ Tử tô đậm tính nhân văn, hấp dẫn du khách đến mỗi năm một nhiều, theo quyết định của Bộ Văn hóa - thông tin năm 1989, hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương) được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Hình dạng hòn Phụ Tử gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bệ đá có chiều cao 5m so với mặt biển. Trong đó hòn Phụ có chiều cao khoảng 33,6m và hòn Tử cao khoảng 30m. Ngày 9-8-2006, hòn Phụ Tử bất ngờ sập hòn Phụ cao hơn 33m để lại nhiều luyến tiếc nhưng du khách gần xa vẫn tìm đến tham quan. Phần gãy của hòn Phụ Tử là 20m, khối lượng khoảng 1.000 tấn. Vị trí ngã ngang về hướng đông. Phần còn lại chỉ còn khoảng trên 13m. 

 


Chùa Hang (Hải Sơn Tự) nằm hẳn trong một núi đá thâm u, mờ ảo, sâu trong ngọn cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài, chân núi sát biển quanh năm được sóng vỗ về. Trước sân chùa hang thờ Phật Di Lặc được tạc bằng đá Non Nước nặng 22 tấn. Có nhiều cây cổ thụ đứng ở lưng chừng núi, rủ xuống không gian những chùm rễ dài lơ lửng. Cửa chùa quay vào trong đất liền, trong ánh sáng lờ mờ, những thạch nhũ chảy từ trên trần xuống đóng cứng lại to như cột nhà, khi gõ vào ngân lên như tiếng chuông. Chính điện Chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục đông bắc-tây nam dài hơn 50 mét, từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi. Đi hơn 10 phút theo lòng hang ngoằn nghèo trong ruột núi, "nghe" những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi. Hằng năm, Chùa Hang tổ chức lễ hội kéo dài từ mùng 8 đến 15 tháng 4 âm lịch. Tương truyền: Công chúa Ngọc Tuyền, em gái chúa Nguyễn Ánh đã mất tại đây. Để tưởng nhớ em mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là chùa Hang. Hàng vạn năm trước, núi Chùa Hang nằm dưới mực nước biển

 


Dù không nằm trong danh sách “Hà Tiên thập cảnh” nhưng chùa Hang - hòn Phụ Tử vẫn là hai danh thắng hấp dẫn mạnh khách du lịch.

Xem thêm

 

images

 

Hòn Tre

 


Hòn Tre là trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 30km về phía tây. Từ bến cảng Rạch Giá đến Hòn Tre mất độ hơn 1 giờ ngồi tàu.

 


Đặc điểm: Hòn Tre có chiều dài 3,5km, nơi rộng nhất chừng 2km. Đỉnh cao nhất 395m. Cư dân trên đảo sinh sống bằng nghề làm vườn, đánh bắt và chế biến hải sản. Hòn Tre có nhiều nơi phong cảnh rất hữu tình như Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, ... Trong tương lai Hòn Tre sẽ trở thành khu du lịch sinh thái mới của tỉnh Kiên Giang.

Xem thêm

 

images

 

Phú Quốc

 


Phú Quốc hay còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km²(theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Xem thêm

 

images

 

Vườn quốc gia U Minh Thượng

 


Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích 21.107 ha, trong đó vũng lõi chiếm 8.038 ha, vùng đệm chiếm 13.069 ha. Đây là loại rừng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước thuộc loại rất hiếm trên thế giới. Hệ thống động thực vật tại vườn quốc gia U Minh Thượng rất đa dạng và phong phú: bên cạnh cây tràm (Melaleuca cajuputi) bản địa, tại đây còn có hơn 243 loài thực vật có mạch bậc cao, trong đó có nhiều loài cây thân gỗ cao, to như: Bùi, Mốp, Dấu, Trâm, Gáo,… Với sự hiện diện của 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá Vườn quốc gia U Minh Thượng có khu hệ động thực vật phong phú nhất ở khu vực Đồng bằng song Cửu Long. Nhiều loài động vật tại đây như: Rái cá long mũi, Mèo cá, Bồ nông chân xám, Già đãy Java,… được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

 


Sau khi len lỏi giữa những con rạch nhỏ bằng thuyền máy du khách sẽ có dịp được khám phá sân chim, thăm quan Máng Dơi – đây là hai tuyến du lịch chính đang được khai thác tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Cùng với đó, du khách còn có thể ngắm nhìn một cả góc rừng xanh thẳm của U Minh Thượng từ trên chòi canh (để canh lửa). Hiện nay, để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã cho xây dựng hệ thống căn tin chuyên phục vụ các món ăn đồng quê.

Xem thêm

 

images

 

Hà Tiên

 


Hà Tiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 95km và thành phố Hồ Chí Minh 350km. Được khai mở từ đầu thế kỷ XVIII, đất Hà Tiên nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, núi non trập trùng, thiên nhiên tươi mát... được người xưa gọi là thập cảnh thiên phú. Nơi đây, quanh năm nắng vàng, biển xanh ôm ấp vỗ về, tạo cho Hà Tiên một dáng vẻ riêng biệt, gắn liền với cốt cách người Hà Tiên đã đi vào thơ ca... suốt chiều dài lịch sử khai hoang mở đất. Từ trung tâm Hà Tiên chạy quanh co chân núi Đèn có bờ biển, nối đến tận Khu du lịch Mũi Nai. Đi trên con đường này chẳng khác nào đi qua khúc eo Mũi Né của miền Nam Trung bộ. Trên đỉnh núi có ngọn hải đăng hơn trăm tuổi vẫn đỏ đèn hằng đêm dẫn đường cho tàu về bến. Bãi tắm Mũi Nai không sâu, cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm, đã được quy hoạch thật sạch đẹp. Từ Mũi Nai ra xa bờ chừng vài trăm mét có rất nhiều đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Hai quần đảo này cũng là nơi du lịch rất lí tưởng. Từ ngoài biển nhìn vào mũi đất giống hệt cái đầu một con nai chà nằm nghểnh ra biển. Nằm sát quốc lộ, cách trung tâm Hà Tiên theo hướng tây bắc khoảng 3 km, một tảng đá xanh khổng lồ mọc trơ trọi giữa cánh đồng lúa xã Mỹ Đức, trông tựa hình ảnh của một chiếc mũ lông kị binh, đó chính là Thạch Động (Thạch Động Thôn Vân). Sáng tinh mơ, những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây. Hang khá rộng, những giọt nước mưa theo tháng năm xâm thực đá, len lách chảy xuống hang hòa tan với chất vôi tạo những thạch nhũ độc đáo, trong như ngọc, vài hang có loại đá sa kim óng ánh vàng. Thạch nhũ trong lòng hang tạo ra muôn hình vạn trạng theo trí tưởng tượng của mọi người: công chúa Quỳnh Nga mặc áo dài xanh, Phật Bà Quan Âm mặc áo trắng, con đại bàng...Từ cửa hang thông ra ngoài của Thạch Động có thể nhìn thấy cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong động có nhiều hang ăn thông lên trời hoặc ăn sâu xuống lòng đất được truyền tụng là đường xuống âm phủ. Nay hang được lấp để tránh tai nạn. Các tảng đá nứt chồng lên nhau, tưởng một ngọn gió có thể làm đổ được nhưng ngàn năm nay Thạch Động vẫn trơ gan cùng gió bão. 

 


Thị xã Hà Tiên ngày nay được tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển về du lịch và thương mại-dịch vụ với hàng loạt công trình và địa điểm du lịch đang được xây dựng cải tạo như: biển Mũi Nai, núi Đèn, hang Thạch Sanh...

Xem thêm

 

images

 

Họ Mạc và khu kinh tế biển tây đầu tiên

 


Đầu thế kỷ 19, khi Trịnh Hoài Đức vào trấn Hà Tiên, thấy cảnh kho, chành, vựa được Mạc Cửu đặt dưới chân núi Phù Dung (nay là núi Đề Liêm), đã thốt lên: “chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn tiếng kệ kinh lẫn tiếng ồn ào của phố thị, chợ búa, thật là cảnh nửa tăng nửa tục”. Đó là thời điểm hơn 100 năm sau ngày Mạc Cửu về đất Hà Tiên.

 


Tổng trấn nhà buôn

 


“Chúa Hiển Tông (Nguyễn Phước Chu – NV) thấy ông tướng mạo khôi kiệt, lui tới kính cẩn, khen là người trung thành, sắc cho làm thuộc quốc, đặt tên trấn là trấn Hà Tiên, cho ông làm chức tổng binh, ban cho ấn thụ và sai nội thần tiễn chân tới quốc môn” – Đại Nam liệt truyện tiền biên. Người được tả trên là tổng binh Mạc Cửu, vào mùa thu năm 1708, ông cùng thuộc hạ dong thuyền ra Phú Xuân dâng biểu xưng thần và trao đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn. Kể từ đó, một vùng đất – biển hoang sơ đã trở thành phố thị, thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong, in đậm dấu chân trong hành trình tiến ra Biển Tây của dân tộc Việt.

 


Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Vào thời Đại Thanh (1680) nhà Minh mất hẳn. Mạc Cửu (lúc này khoảng 23 tuổi – NV) không khuất phục… mới chừa tóc rồi chạy sang phương Nam, trú tại phủ Nam Vang, nước Cao Miên”. Nhiều nguồn sử khác cho biết, lúc 17 tuổi ông đã bôn ba khắp nơi buôn bán, chỉ năm năm sau đã làm chủ một đội thuyền giao thương với nhiều nước vùng Đông Nam Á và đảo Đài Loan.

 


Trong vòng hai chục năm lưu lạc, Mạc Cửu khi làm quan cho nước Cao Miên, lúc giao dịch ngoại thương cho vua Cao Miên… tựu trung các việc của ông đều không nằm ngoài hoạt động thương mại, kể cả khi ông chạy sang Xiêm La tị nạn. So với hai vị tổng binh Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cũng chạy qua Đàng Trong (1679) đầu phục chúa Nguyễn, khai khẩn đất Mỹ Tho và Biên Hoà, Mạc Cửu không xuất thân binh nghiệp. Dưới con mắt một nhà buôn, sau nhiều năm bôn ba các xứ Cao Miên (Nam Vang, Kampot, Oudong) và Xiêm La, đến khoảng năm 1700, ông chọn đất Hà Tiên làm chỗ dừng chân, một nơi có rừng có biển, đồng bằng mênh mông, sản vật dồi dào, bộ – thuỷ tiếp giáp đất Campuchia, Thái Lan ngày nay, có thể mở thương cảng quốc tế.

 


Khẩn hoang đồng bằng

 


Xứ Hà Tiên, ngày Mạc Cửu định cư và bắt đầu khai khẩn, rộng lớn hơn bây giờ nhiều: trấn Hà Tiên tây giáp Xiêm La, bắc giáp Cao Miên, tây nam trông ra biển... Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (Hà Tiên) cho biết, trấn Hà Tiên xưa bao gồm tỉnh Kampong Som (hiện thuộc Campuchia) dài xuống Rạch Giá, Long Xuyên, ven biển từ Lũng Kỳ (khu vực giữa Réam và Sré Cham, phía tây bắc đảo Phú Quốc) kéo dài đến Cà Mau. Trấn Hà Tiên được tạm chia thành hai vùng: phía trên từ Rạch Giá, Long Xuyên đến Bạc Liêu… phần nam sông Hậu có đồng bằng lớn, thuận tiện cấy cày; phía biển từ Phú Quốc chạy đến mũi Cà Mau hợp đánh bắt thuỷ hải sản, đặc biệt là giao thương với các nước xung quanh.

 


Trước khi Mạc Cửu định cư ở Hà Tiên, cùng với người Hoa người Việt đã có mặt rải rác ở vùng này, kể cả Cao Miên và Xiêm La. Họ khai khẩn ruộng nương và đánh bắt thuỷ hải sản, sống ngoài vòng ảnh hưởng của biến động chính trị các quốc gia trên. Với họ, “ông lại chiêu mộ lưu dân Việt Nam ở Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Rạch Giá, Cà Mau lập thành bảy xã thôn” (Gia Định thành thông chí). Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho biết thực ra, từ thời còn làm quan bên Cao Miên, Mạc Cửu đã chiêu tập người Việt, nên sau này lưu dân Việt – Hoa theo ông về trấn Hà Tiên rất đông. Kẻ làm ruộng, ông chia vùng cấp đất để khẩn hoang, cung cấp nông cụ thiết yếu (cày, cuốc, dao, rựa… kể cả trâu), phân phối giống (những thứ này Mạc Cửu đi buôn mà có). Ngay cả những tù phạm bị lưu đày nơi khác, ông cũng đưa về cấp đất, nông cụ cho khai hoang, trồng cấy. Thêm nữa, Mạc Cửu còn buộc những lưu dân Việt giỏi canh tác, khẩn hoang dạy nghề nông cho người Miên (người Miên không giỏi làm nông). Phần đầu ra, ông thu mua toàn bộ lúa gạo, hồ tiêu. Với nghề đánh bắt, các sản vật biển (cá, tôm, đồi mồi, yến sào…) được khuyến khích khai thác bằng chế độ thu mua. Với chính sách bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra như vậy, người làm ruộng, kẻ đi biển đã dần định cư khắp nơi trong trấn Hà Tiên. Chính những sản vật nông – ngư nghiệp đó góp phần làm hoạt động thương mại – kinh tế biển của họ Mạc sau này phát triển rực rỡ.

 


Kinh tế thị trường

 


Vốn có khả năng và điều kiện kinh tài từ trước khi về lập trấn, Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành một trung tâm thương mại, giải trí bậc nhất của đất Đàng Trong. Vốn có một vị trí đắc địa, nhiều đầu mối hoạt động giao thương, trấn thủ Hà Tiên (khu vực thị xã bây giờ) mặt hướng ra Biển Đông, rất gần với Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Cửa biển sâu, rộng gọi là cảng khẩu Hà Tiên. Nối cảng khẩu là một cái hồ lớn (Đông Hồ) và sâu có thể chứa hàng ngàn thuyền bè, là nơi neo đậu lên xuống hàng. Nối với Đông Hồ là sông Giang Thành, con sông đi thẳng qua Campuchia, đến đất Sài Mạt (nơi ngày trước Mạc Cửu làm quan) – một tuyến giao thương quan trọng với Cao Miên ngày ấy. Từ Sài Mạt có đường bộ đi đến thẳng Oudong (kinh đô cũ của Cao Miên). Như vậy, xét về địa lợi, ở Hà Tiên có đủ (cảng biển, sông, sản vật…)

 


Ngoài việc làm tổng trấn (được quyền thu thuế), họ Mạc còn là một nhà buôn lớn nhất vùng Hà Tiên lúc bấy giờ. Theo nhiều sách sử, ông mua từ Cao Miên ngà voi, sừng tê, đậu khấu (vị thuốc quý), gỗ… đổi lại, ông bán các đồ vật dụng (gốm, sành, sứ), gạo, muối… Đối với các nước giao thương đường biển, hàng bán là cá, tôm khô, gạo, hồ tiêu và những sản vật từ Cao Miên về. Không chỉ bán hàng tại chỗ cho các thương thuyền ngoại quốc (Đông Nam Á và cả châu Âu), họ Mạc thời ấy còn có ba chiếc thuyền lớn được chúa cấp (long bài), đủ sức buôn bán tận Nhật Bản. Chưa hết, Mạc Cửu còn mở thêm sòng bạc kinh doanh. Không sử sách nào chép chi tiết lượng hàng hoá giao thương lúc ấy, chỉ biết vào năm 1718, khi Xiêm La đánh Hà Tiên, phá kho của họ Mạc đốt 200 tấn ngà voi, gạo và các hàng hoá khác, phải mang nhiều tàu lớn vào mới chở đi hết.

 


Đến thời Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu – từ năm 1736) việc buôn bán còn tấp nập hơn. Cảng Hà Tiên (Đông Hồ) tàu bè đậu kín, ngược xuôi tấp nập. Hai bên bờ, phố thị đông đến nỗi không còn chỗ cho chành vựa. Lúc này họ Mạc được phép đúc tiền riêng (lấy tên là Thái Bình) và trở thành đồng tiền có thể giao dịch quốc tế. Hơn 100 năm sau ngày họ Mạc về khai phá, khi Trịnh Hoài Đức vào trấn Hà Tiên, ông thấy cảnh tượng ở núi Phù Dung (nay là núi Đề Liêm) chợ đầu mối xô bồ, tấp nập kế chùa, cho nên vị đại thần họ Trịnh mới thốt “cảnh nửa tăng nửa tục”. Hay như nhận xét của ông khi nhìn thấy sự sầm uất nơi xưởng đóng thuyền ở chân núi Ngũ Hổ (cách Đông Hồ vài trăm trượng): “Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, thật là một nơi đô hội miền biển”. Thời điểm ấy, sau nhiều biến thiên, chiến tranh, ly tán, hoạt động giao thương đã giảm sút rất nhiều so với gần trăm năm trước mà còn như vậy, mới biết vào kỳ cực thịnh, trấn Hà Tiên sầm uất thế nào.

 


Về Hà Tiên bây giờ, những dấu tích của cảnh “đô hội miền biển” không còn. Đầm Đông Hồ, sau một dự án lấn biển làm khu đô thị, nay hiền lành như một con kênh đào. Đứng trên cầu Tô Châu nhìn ra, cảng khẩu nay bị bồi lắng nên nhỏ nhoi và nông sè. Phía tay trái cảng khẩu, Nam phố (một trong “Hà Tiên thập vịnh” của Tao Đàn Chiêu Anh) đang được thay bằng một dự án lấn biển khác, chẳng còn: “Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu/Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi” (Nam phố trừng ba). Lư Khê (rạch Vược) chẳng thấy cá vược rau thuần vì bị Pháp lấp từ giữa thế kỷ trước. Núi Phù Dung xưa, nay chẳng còn nghe “tiếng kệ kinh lẫn ồn ào chợ phố thị”…

 


Như lời của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt: “Nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới bước qua bờ nam sông Tiền”. Nhiều lần dẹp yên giặc cướp, mấy bận phò chúa lâm nguy, đánh đuổi ngoại bang giữ gìn bờ cõi… võ công họ Mạc khai khẩn đất phương Nam có ai bằng. Có lúc phải chọn cái chết ở xứ người để tận trung báo quốc, họ Mạc xứng với đôi câu đối trước cổng tam quan Mạc công miếu, chân núi Bình San (người đời thường gọi là lăng Mạc công), tương truyền của Trịnh Hoài Đức:

 


Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh. 
(SGTT Xuân 2012)
Ngày cập nhật 2015/11/28 Tác giả: 24h.com
Bài viết 3
Từ khóa:
Hỗ trợ trực tuyến
  • image
    Tư vấn - khách sạn 36
    Call: 0945 862 990

  • image
    - ĐẶT PHÒNG NHANH
    Call: 0945 862 990

video

BẢN ĐỒ

sitemap Thiết kế website bởi Công Ty Gia Hân